Việt Nam suy giảm thị phần dệt may, nguyên nhân do đâu?

Tỷ giá, lãi suất vay cao, chi phí logistics lớn… là một trong số các nguyên nhân khiến thị phần dệt may Việt Nam tại thị trường xuất khẩu suy giảm. Cùng tìm hiểu kỹ hơn qua nội dung chia sẻ sau đây.
Theo báo cáo, sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may Việt Nam ngoài lý do về sự ảm đạm trong thị trường thì nguyên nhân đến từ các yếu tố cả về vĩ mô và vi mô.
Về mặt vĩ mô thì yếu tố về tỷ giá đã tác động lớn đến doanh nghiệp, công ty xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng. Thực tế, nếu xét trên góc độ tỷ giá, hàng hóa xuất khẩu của nước ta đang kém cạnh tranh hơn rất nhiều so với các quốc gia xuất khẩu khác. Đồng tiền Việt Nam cũng ổn định, gần như không giảm giá nhiều so với đồng USD. Trong khi đó các quốc gia xuất khẩu dệt may đã duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu.
Thứ hai, doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn với lãi suất vay cao. Hiện nay, lãi suất cho vay của Trung Quốc ở 3,5%, Bangladesh 7%, trong khi đó Việt Nam ở mức bình quân 9-11%, cao hơn 5-7%.


Thứ ba, theo Vietnam Credit, chi phí logistics trên tổng doanh thu của doanh nghiệp, công ty dệt may Việt Nam hiện là gần 17%. Con số này cao hơn so với các quốc gia khác. Hiện nay Cảng Hải Phòng mỗi năm thu xấp xỉ 1.700 tỷ đồng phí cảng biển, TP.HCM thu khoảng từ 3.500 tỷ đồng. Ngoài ra việc thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics và thiếu trung tâm logistics lớn, kết cấu hạ tầng logistics còn thấp chính là nguyên nhân hàng đầu khiến các chi phí này vẫn ở mức cao so với dự kiến.Thứ tư, là chi phí tiền lương cao. Theo thống kê trading Economies, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân viên may mặc của Việt Nam ở ngưỡng 300 USD/người/tháng. Việt Nam xếp hạng ở vị trí thứ 2 trong những quốc gia xuất khẩu dệt may (chỉ thấp hơn Trung Quốc).
Về mặt vi mô thì thực tế cho thấy, Việt Nam không còn là quốc gia dệt may với lợi thế nhân công giá rẻ mà thay vào đó, việc đầu tư công nghệ kỹ thuật mới sẽ giúp cho việc cải thiện năng suất lao động, tối ưu chi phí đáp ứng tốt hơn với yêu cầu mới của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đầu tư máy móc mới của các doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thêm vào đó, quản trị sản xuất cũng là yếu tố khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng rất nhiều. Thời điểm nhập xuất nguyên liệu đóng vai trò then chốt trong việc định hình giá thành sản xuất. Chọn thời điểm mua bông không phù hợp sẽ dẫn tới việc chi phí giá thành cao, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
Cuối cùng, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam của chúng ta vẫn còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước thế nên vẫn bị phụ thuộc rất là nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất