Bức tranh kinh tế: Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn tuy đã giảm bớt, nhưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền…

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức trong năm 2023

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng cơ bản ổn định. Nền kinh tế giữ được xu hướng phục hồi trong những tháng gần đây, dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, giải quyết được căn bản một số vấn đề tồn đọng trước đây của nền kinh tế; chủ động giải quyết, ứng phó những vấn đề mới phát sinh, bộc lộ rõ nét hơn trước các thách thức từ bên ngoài, nhất là từ cuối năm 2022 và trong những tháng đầu năm 2023, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, kết quả chung 7 tháng tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài bởi các khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm. Khó khăn tuy đã giảm bớt, nhưng sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm, nhất là khi đã bước vào mùa mưa bão.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng… Trong khi đó, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn.

“Do đó, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi nhanh tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 105/NQ-CP của Chính phủ; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, hành động quyết liệt, nỗ lực hơn nữa để triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, chủ động thích ứng với tình hình; đẩy mạnh tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.


Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, nhất là các vướng mắc pháp lý thuộc thẩm quyền; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không ban hành các quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể, đủ thẩm quyền để thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tăng cường kiểm tra, giám sát; duy trì cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 8, thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tập trung rà soát vướng mắc về thể chế, pháp lý, cơ chế, chính sách, nhất là thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.

Thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như: bán dẫn, năng lượng hydrogen…/.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất