WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

Ngày 6/6, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên mức 2,1%, cao hơn so với dự báo chỉ tăng 1,7% hồi đầu năm.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2023

Về tổng quan, tình trạng phức tạp và nhiều nhân tố khó dự báo của nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều tổ chức quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 1,7%, còn dự báo của Liên hợp quốc là 1,9%; trong khi đó, các tổ chức quốc tế khác, như Cơ quan thông tin của Tạp chí Economist (Economist Intelligence Unit (EIU), Anh), Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch (Mỹ), dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt khoảng 1,4 – 1,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ ba trong vòng 30 năm qua, chỉ nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu trong các năm 2008 – 2009 và giai đoạn đại dịch COVID-19.

Các nền kinh tế phát triển dự kiến chỉ tăng trưởng 0,5% theo WB và 1,2% theo IMF. Khoảng 90% các nền kinh tế phát triển sẽ có mức tăng trưởng năm 2023 thấp hơn so với mức năm 2022. Trong đó, kinh tế Mỹ năm 2023 dự kiến tăng trưởng 0,5% – mức thấp nhất của Mỹ kể từ năm 1970 (trừ các giai đoạn suy thoái chính thức). Rủi ro lớn nhất của kinh tế Mỹ là làn sóng lạm phát tiếp theo sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, từ đó làm suy giảm tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế. Nền kinh tế khu vực Eurozone dự kiến không tăng trưởng, với tốc độ 0% theo WB, thậm chí rơi vào tăng trưởng âm theo dự báo của EIU(14). Còn kinh tế Pháp tăng trưởng -0,3%, Đức: -1%, I-ta-li-a: -1,3%, Anh: -0,8%. Kinh tế Nhật Bản dự báo tăng trưởng 1% theo WB và kinh tế Nga sẽ chỉ tăng trưởng -3,3% theo dự báo của EIU.

Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển dự kiến tăng trưởng 3,4% theo WB và 4% theo IMF, trong đó tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đóng góp 0,7 điểm phần trăm. Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 4,3% theo WB, 4,7% theo EIU và 4,8% theo Liên hợp quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có thể sẽ thấp hơn nếu tác động của các hệ lụy từ việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trước đó lâu hơn dự kiến, thị trường bất động sản phục hồi khó khăn và thời tiết diễn biến cực đoan. Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 6,6%. Ở khu vực Đông Nam Á, kinh tế Việt Nam được đánh giá là điểm sáng với mức dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 6,3%, cao hơn so với mức 5,2% của Cam-pu-chia, Phi-líp-pin (5%), In-đô-nê-xi-a (4,8%), Ma-lai-xi-a (4%), Thái Lan (3,6%).

Về nhân tố tác động, trong bối cảnh có nhiều nhân tố chính trị, an ninh, môi trường và kinh tế tác động đan xen tới triển vọng kinh tế thế giới năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu khá thận trọng và nhấn mạnh vào các nhân tố tiềm ẩn có thể làm thay đổi các dự báo về kinh tế thế giới năm 2023.

Một là, mặc dù chỉ số lạm phát toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ giảm, song vẫn ở mức cao là 5,2% theo WB và 6,6% theo IMF, do đó, tiếp tục tạo ra sức ép giảm tốc đối với nền kinh tế thế giới. Đáng chú ý là rủi ro biến động về giá cả hàng hóa cơ bản, nhất là giá dầu mỏ. Theo EIU, tùy vào diễn biến của cuộc xung đột Nga – U-crai-na và chính sách của Liên minh châu Âu (EU), giá khí ga tự nhiên tại khu vực châu Âu năm 2023 có thể tăng gấp 3 lần so với năm 2022. WB cảnh báo trong trường hợp lạm phát tăng cao hơn dự kiến dẫn tới phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức 1,7%. Tình trạng lạm phát ở mức cao trên toàn cầu nếu không được cải thiện có thể sẽ kích động bất ổn xã hội, biểu tình trên diện rộng ở các nền kinh tế.

Hai là, cạnh tranh địa – chính trị và cuộc xung đột Nga – U-crai-na sẽ tiếp tục chi phối sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đáng chú ý, chính sách kinh tế của các nước phát triển ngày càng hướng tới phục vụ các mục tiêu địa – chính trị và đặt ưu tiên an ninh trước các ưu tiên về hợp tác kinh tế(15). IMF cảnh báo sự phân mảnh trong nền kinh tế thế giới sẽ tạo ra thiệt hại tương đương 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Thương mại và đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng từ các biện pháp của các nước phát triển nhằm đưa đầu tư về trong nước (on-shoring) và chuyển sang các nước thân thiện (friend-shoring), giảm tối đa khả năng nước ngoài can thiệp vào các ngành công nghiệp chủ chốt, gia tăng các biện pháp rà soát đầu tư, thương mại. An ninh lương thực toàn cầu tiếp tục chịu rủi ro, nhất là đối với các nước có thu nhập thấp nếu Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen(16) không được duy trì. An ninh năng lượng đứng trước thách thức, nhất là tại khu vực châu Âu, do năm 2023, châu Âu hầu như không còn nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga và chịu sự cạnh tranh từ thị trường năng lượng quốc tế do kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Thứ ba, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể tạo động lực tích cực cho tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới, khi mà Trung Quốc khẳng định, năm 2023, sẽ nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, duy trì giá cả và việc làm ổn định(17). Do đó, nếu các biện pháp phát huy tác dụng thì tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ gần như phục hồi, nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng sẽ trở lại mức bình thường. Theo Tập đoàn Tài chính Bloomberg (Mỹ), tất cả thị trường du lịch trên thế giới đang có triển vọng phục hồi khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chi tiêu khoản tiết kiệm 836 triệu USD tích lũy trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19(18). IMF dự báo, sự đóng góp của kinh tế Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ gấp 3 lần mức đóng góp của Mỹ(19).

Thứ tư, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan có thể góp phần tạo ra các cú sốc mới đối với an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu. EIU nhấn mạnh về hai rủi ro từ biến đổi khí hậu có khả năng xảy ra cao và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, đó là: 1- Cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực châu Âu trở nên nghiêm trọng nếu thời tiết mùa đông năm 2023 lạnh hơn, khiến GDP của Eurozone suy giảm -0,4% năm 2023; 2- Thời tiết khắc nghiệt diễn biến thường xuyên hơn ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, tạo ra cú sốc mới về an ninh lương thực toàn cầu.

Tựu trung, đặc điểm của kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục là sự kết hợp đa chiều, đa tầng và đa lĩnh vực của những rủi ro đối với tăng trưởng. Các rủi ro suy giảm tăng trưởng không chỉ gia tăng ở các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Eurozone, mà còn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Do đó, nếu những thách thức này không được xử lý kịp thời và xuất hiện các cú sốc mới, không loại trừ khả năng kinh tế thế giới năm 2023 có thể rơi vào suy thoái. Trung tâm Nghiên cứu Ned Davis (Mỹ) dự báo khả năng kinh tế thế giới suy thoái năm 2023 là 98,1%, tương đương giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009 và giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 năm 2020(20).

WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects report) công bố ngày 6/6, WB dự báo tổng GDP toàn cầu sẽ tăng 2,1% trong năm 2023, cao hơn so với mức dự báo 1,7% được đưa ra hồi tháng 1 đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 (3,1%).

Về tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2023 được WB dự báo đạt mức 1,1%, cao hơn gấp đôi so với mức 0,5% được đưa ra vào tháng 1/2023.

Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 dự kiến đạt 5,6%, cũng cao hơn so với mức dự báo 4,3% đưa ra trước đó. Trong khi đó tăng trưởng năm 2023 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được nâng lên mức 0,4%.

Báo cáo lưu ý tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế. Những yếu tố này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong năm 2024, khiến tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với các dự đoán trước đó.

Về triển vọng năm 2024, báo cáo của WB giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,4%, từ mức 2,7% đưa ra hồi tháng 1/2023. Nguyên nhân là do những tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, tình trạng suy giảm đầu tư, kinh doanh…

WB cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi lên mức 3% vào năm 2025.

Cơ hội, thách thức đối và một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh triển vọng tình hình kinh tế thế giới giai đoạn tới còn diễn biến phức tạp với nhiều bất định và rủi ro, trên cơ sở thực hiện đường lối của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, từ góc độ đối ngoại, cần lưu tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc bám sát chỉ đạo trong các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, cần theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường của thế giới và khu vực, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về những cơ hội, rủi ro để có đối sách phù hợp, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả. Theo dõi, nghiên cứu về sự điều chỉnh và triển khai chính sách liên quan của các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU để bảo đảm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thị trường nhập khẩu các nguyên vật liệu, vật tư sản xuất thiết yếu, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, thúc đẩy phục hồi du lịch và thu hút nguồn đầu tư phù hợp, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Thứ hai, phát huy tối đa giá trị địa – chiến lược của Việt Nam, phát huy các binh chủng đối ngoại để vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài nhằm nâng cao nội lực, năng lực tự chủ, tự cường, thông qua: 1- Tranh thủ hiệu quả các nguồn lực quốc tế cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở trong nước, đồng thời tham gia các chuỗi cung ứng xanh toàn cầu, từng bước điều chỉnh sản xuất dựa vào năng lượng sạch, hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất xanh của thế giới; 2- Phát huy tối đa mạng lưới quan hệ hợp tác với các nước nhằm đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư, du lịch, sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, tránh phụ thuộc vào một đối tác, một thị trường; 3- Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, dự án FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, với phương châm lấy các địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ.

Thứ ba, phát huy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và thành tựu phát triển là “điểm sáng” của kinh tế khu vực, tăng cường và đổi mới công tác thông tin đối ngoại để chuyển tải kịp thời, chính xác về triển vọng phát triển của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cơ hội hợp tác thương mại, điểm đến du lịch hấp dẫn… của Việt Nam. Đa dạng hóa các hình thức, như tổ chức hội thảo, triển lãm ở các nước sở tại, các chuyến đi thực tế tại Việt Nam cho phóng viên nước ngoài, các cuộc tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo các cấp, ứng dụng công nghệ số, truyền thông xã hội để gia tăng sự lan tỏa, tiếp cận sâu rộng với công chúng quốc tế.

Thứ tư, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, để góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, tích cực tham gia các sáng kiến, diễn đàn quốc tế, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tiếp tục nội luật hóa và thực thi các điều ước, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự ổn định của kinh tế Việt Nam, gia tăng niềm tin của cộng đồng đầu tư, kinh doanh quốc tế, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và củng cố tính bền vững của các chuỗi cung ứng./.

Đăng ký nhận thông tin mới nhất